Ở thời điểm này, teen 12 đang mắc phải một số "căn bệnh tinh thần" không có lối thoát. Nếu không kịp "chẩn đoán" và "chữa trị", họ dễ dàng trượt dài...
Bệnh "hùa theo đám đông"
Biểu hiện: Trước những tiết khảo bài thường gọi điện, nhắn tin, hoặc chat với những "nhân" trong lớp, hỏi hết người này đến người kia "học Sử chưa?", "xong Địa chưa?", "Văn tới đâu rồi?"...Nếu đối phương trả lời "chưa gì cả", "người hỏi" lập tức...quăng hết tập vở và cắm cúi miệt mài vào PC, nghe nhạc, ăn uống, ngủ nghỉ cho...qua ngày!
Chẩn đoán: "Bọn họ thường nghĩ rằng xung quanh mình chẳng ai học, thì mình cũng...không học, có sao đâu! Chừng nào ai cũng học, mình không học mới đáng sợ. Nói chung, teen 12 dễ hùa theo đám đông lắm. Chỉ cần một vài người "phát pháo" rằng: "Nản quá", thì ngay lập tức, như một hội chứng Domino, cả đám cũng gục xuống và rồi than thở: Chán thật!" - B.A (lớp 12 trường N) bày tỏ.
Bốc thuốc: "Giả sử, mọi người đề nghị: "Học mệt quá, thôi...nghỉ học đi!", chẳng lẽ bạn cũng...nghỉ theo họ? Suy nghĩ vấn đề nghiêm túc một chút thì bạn thấy "hùa theo đám đông" chỉ xoa dịu tinh thần và an ủi bạn trong phút chốc, nhưng rồi về lâu về dài dẫn đến những hệ lụy trầm trọng. Bạn sợ chưa? Nếu đã nghĩ thấu suốt rồi thì không cần "bốc thuốc", bạn cũng sẽ tự làm mình khỏi bệnh đấy!"
Bệnh ngủ
Biểu hiện: Đặt lưng xuống giường là ngủ. Ngủ trưa, ngủ chiều, tối ngủ sớm, sáng dậy trễ...
Chẩn đoán: "Học quá nhiều nên áp lực, căng thẳng thần kinh, đồng hồ sinh học chạy thất thường nên giấc ngủ cũng vì thế mà không ổn định. Đầu óc lúc nào cũng lâng lâng và dễ gặp ác mộng nếu ngủ quá nhiều.
Bốc thuốc: Tốt nhất nên ngủ sớm, dậy sớm. Hãy hoạt động nhiều vào buổi trưa để tránh bị chiếc giường "cám dỗ". Tốt nhất chỉ nên ngủ 30 phút sau khi ăn trưa. Đừng ngủ vào giấc chiều hoặc giấc lúc 7, 8 giờ tối, bạn dễ cảm thấy uẻ oải.
Bệnh "học hoài không thuộc"
Biểu hiện: 1 tiếng đồng hồ vẫn không "nuốt" xong 1 trang A4. Lật qua lật lại, thuộc đó rồi quên đó. Có khi thuộc làu làu rồi...quên sạch.
Chẩn đoán: Có thể đang học Sử mà bạn nghĩ tới Địa, đang học Địa nghĩ tới Văn và đang học Văn nghĩ tới việc...ngày mai đi chơi mặc đồ gì. Bạn cảm thấy việc tập trung quá khó khăn và dường như bạn chẳng muốn học bài nữa.
Bốc thuốc: Chưa cần thuộc lòng vội. Hãy đọc đi đọc lại nhiều lần, hình dung những sự kiện qua từng con số, câu chữ, cách diễn đạt. Tự đặt ra cho mình động lực và phải thật nghiêm khắc với bản thân
Bệnh "để mai tính"
Biểu hiện: "Ngày mai có tiết Văn à? Tới lớp rồi học cũng được!". "Thầy kiểm bài tập Toán vào ngày mai sao? Mai lên mượn tập tụi nó chép". "Cái gì? Ngày mốt kiểm tra Hóa, học thêm cả ngày sao học kịp? Thôi, mai tính..."
Chẩn đoán: "Ngày mai" không bao giờ dừng lại để bạn thực hiện những dự định, kế hoạch, và rồi sự tồn đọng cứ tích tụ mãi đó, dần dà chất chồng lại tạo thành một khối áp lực lớn đè lên vai bạn.
Bốc thuốc: Thay vì "để mai tính", bạn hãy đặt câu hỏi "tại sao không làm ngay bây giờ?". Nếu bạn không trả lời được bằng lý do chính đáng thì hãy bắt tay vào làm ngay, nếu không muốn thấy hậu quả sau một tháng nữa.
o0o
Chúc các bạn dễ dàng tháo gỡ những áp lực hiện tại.